Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Tình yêu nước tự nhiên của mỗi cá nhân, cộng đồng đã phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, là động lực tinh thần to lớn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thống nhất chặt chẽ giữa ý thức bảo vệ chủ quyền, tinh thần độc lập với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa, không khuất phục trước ngoại xâm. Yêu nước là giá trị nổi bật, cơ bản nhất, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử dân tộc.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước chính là sức mạnh nội sinh, nguồn lực vô tận, đảm bảo sự trường tồn của đất nước qua mọi thăng trầm. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương sáng ngời, biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là đặc trưng của làng xã Việt Nam, được hình thành từ rất sớm. Người Việt luôn tương trợ, giúp đỡ nhau, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất để chiến thắng mọi kẻ thù. Sự đoàn kết, đùm bọc là yếu tố tinh thần nổi bật, được truyền qua các thế hệ.
Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí sắt đá và sự đồng lòng, toàn dân tộc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh toàn dân, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đoàn kết quân dân trong kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết vượt qua mọi thử thách, hy sinh, làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết thực hiện mục tiêu chung. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Giá trị đạo đức truyền thống của người Việt còn được thể hiện ở lòng yêu thương con người, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả. Tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, sẻ chia khi gặp hoạn nạn, thiên tai được hình thành tự nhiên. Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, mỗi người Việt Nam luôn yêu thương người khác như chính mình, thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông, chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp. Tinh thần nhân đạo, hòa hiếu, độ lượng, bao dung còn được thể hiện với cả kẻ thù.
Với điều kiện sinh tồn khó khăn, khắc nghiệt, người Việt Nam không thể tồn tại nếu không cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động. Thiên nhiên giàu tài nguyên nhưng nhiều thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã rèn giũa, hình thành tính cách chịu thương, chịu khó, trân trọng thành quả lao động, linh hoạt trong sản xuất. Tinh thần quả cảm và sự sáng tạo đã giúp dân tộc Việt Nam ứng phó, tồn tại trong mọi thử thách. Qua các cuộc đấu tranh vệ quốc, người Việt Nam đã thể hiện sự dũng cảm, thông minh khi chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần.
Yêu chuộng hòa bình là giá trị được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước. Những mất mát, đau thương của chiến tranh đã khiến dân tộc Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình. Người Việt luôn coi “việc binh là việc bất đắc dĩ”, chỉ cầm súng khi bị ép buộc để giữ đất, giữ làng; chiến đấu để bảo vệ hòa bình, để có hòa bình.
Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc _Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967 _ Ảnh: tư liệu Bác Hồ – biểu tượng của đạo đức truyền thống dân tộc.
Các giá trị đạo đức – văn hóa truyền thống tiêu biểu được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước, được các thế hệ kế thừa, bổ sung, phát triển. Bên cạnh đó còn có các giá trị khác cũng trở thành phẩm chất phổ biến của dân tộc như anh hùng, dũng cảm, vì nghĩa, khiêm tốn, giản dị, hiếu học… Các giá trị đạo đức không tồn tại riêng lẻ mà liên quan đến nhau, đức tính này là điều kiện, là biểu hiện của đức tính kia. Yêu Tổ quốc gắn liền với yêu thương con người, ý thức cộng đồng, lý tưởng phục vụ Tổ quốc, đặt cái chung lên trên cái riêng; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết để xây dựng, bảo vệ thành quả.